Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI

Thông tin sách: Bản chất của người – Tên tiếng anh: Human Acts
Tác giả: Han Kang
Năm xuất bản: 2014 – Xuất bản tại Việt Nam: 2019
Dịch giả: Kim Ngân
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, Nhà xuất bản Hà Nội
Giá bìa: 99.000
Nơi mua: Quyển này thì mình đã mua trực tiếp với full giá bìa,
Ngoài ra, bạn có thể xem các review khác do mình viết tại: https://www.facebook.com/media/set/…

I. THÔNG TIN CHUNG
– Bạn hãy đọc trước để dễ hình dung hơn, đây là link của hai địa điểm và hai mốc thời gian diễn ra phong trào dân chủ mà trong sách có đề cập:

Gwangju năm 1980 (bối cảnh chính): https://bitly.com.vn/qf3f2p
Seoul năm 1987 (bối cảnh được nhắc đến): https://bitly.com.vn/i5m8mk

=> Nếu có thông tin bổ ích nào thêm nữa thì mọi người hãy phổ cập thêm cho mình với nha.

BTS ĐÃ TỪNG NHẮC ĐẾN ĐẾN PHONG TRÀO NÀY:
– Trong bài Ma City tại đoạn rap của j-hope câu “Muốn gặp nhau thì tập hợp lú 7 giờ đi, rồi cùng nhấn phím gọi 062-518” trong đó. 7 giờ chính là giới nghiêm sẽ được nhắc đến trong sách, 062 là mã vùng Gwangju và 518 là ngày 18 tháng 5 của năm 1980.

– SUGA đã sáng tác một bài tên là 518-062 (Bài hát sáng tác cho Phong trào dân chủ 18.5). mọi người có thể đọc bản dịch bài ở đây: https://bitly.com.vn/7zsgl2

– Trong vlive năm 2017 thì Namjoon nói mình đã đọc quyển sách này khi đang bay đến Châu Âu, và nói đây là một quyển sách khiến người ta nặng lòng.

II. ĐÁNH GIÁ
– Cách trình bày: rõ ràng rành mạch, không thấy có lỗi chính tả. Một lưu ý nhỏ, tiểu thuyết không sử dụng các dấu ngoặc kép cho lời thoại, nên lúc đọc bạn cần phải tập trung hơn.

– Sách có dễ đọc không: Xét về giọng văn và cách miêu tả thì sách rất dễ đọc, nếu xét về nội dung, ừm… quá buồn.

– Sách có để cập đến các vấn đề sau:
Bạo lực, biểu tình, đàn áp và chết chóc.
Nhục hình thể xác, tinh thần, cả nam và nữ.

III. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Sách có tổng cộng 246 trang, chuyện bắt đầu từ trang 7 và mình thì bắt đầu rơi nước mắt từ trang 8 cho đến hết. Một phần là mình đã đọc sách mà không có sự “chuẩn bị” gì cả, một phần khác là mình rất dễ cảm động vì nỗi bi thương thời chiến.

Bằng sự tỉnh táo, cách viết gãy gọn, và các hình ảnh miêu trả dễ hình dung, Han Kang đã kể cho bạn về một lát cắt rất nhỏ của phong trào dân chủ Gwangju. Nhưng cũng vì sự cách viết giống như “tường thuật” này mà mỗi một chương sách giống như một vết dao đâm nào lòng người đọc vậy.

Mình có thể tóm tắt toàn bộ nội dung truyện cho mọi người bằng một đoạn của vở kịch được đề cập trong sách:

“Sau khi bạn chết, chẳng thể nào làm được lễ tang, cuộc đời tôi đã trở thành lễ tang của bạn.

Sau khi bạn được quấn vào trong tấm thảm chống thấm và chất lên xe dọn vệ sinh.

Sau khi những dòng nước không thể tha thứ kia tuôn ra khỏi đài phun nước.

Dù ở nơi đâu, ngọn lửa đền thờ vẫn đang cháy.

Trong những đóa hoa nở mùa xuân, trong từng bông tuyết. Trong mỗi buổi đêm. Những tàn lửa của ngọn nến cắm trong chai rỗng..”

Chung quy câu chuyện này cũng chỉ có mấy loại người: người sắp chết, người đã chết, người ôm vết thương mà còn sống, và người ghi chép lại.

Bắt đầu bằng việc cậu bé mười lăm tuổi đi tìm người bạn bị thất lạc của mình trong nhà thi đấu mà khi đó, nơi ấy đã trở thành nơi nhận xác. Và kết thúc với một người biết sau, khi mà mọi chuyện đã là quá khứ, nay quay về những nơi xưa chốn cũ, cẩn thận đào ra từng chút từng chút những dáng hình và mảnh đời bị bôi nhọ bởi quyền lực. Sau rồi thuật lại câu chuyện của một đứa trẻ đi tìm bạn mình.

Từ đây mở ra rất nhiều cách nhìn về linh hồn, về lương tâm, những nhiệt huyết rồi sẽ bị chà đạp bởi tra tấn và nhục hình bởi những kẻ vô lương tàn ác, những con người đã sống, và đã chết.

Nhưng nó lại khiến cho người ta cảm thấy vừa bất ngờ vừa quen thuộc, vì chúng ta, cũng đến từ một đất nước mà đã từng có rất nhiều người trẻ đấu tranh vì mục đích tự do. Và cho dù đường lối chính trị, bối cảnh diễn ra và kết quả là khác nhau, nhưng nỗi đau của mất mát giữa người với người là như nhau.

Có rất nhiều phân đoạn mà mình khóc, không phải vì nhân vật trong truyện, mà mình nhận ra là những hoài niệm, đau đớn, và nỗi niềm của những người cha, người mẹ mất đi những đứa con cho dù là ở bất kì quốc gia nào thì cũng là như nhau.

“Cái mạng mẹ vẫn còn dai dẳng, nên dù mất thằng con trai rồi, mẹ vẫn phải ăn cơm.” Bạn sẽ không thể hình dung rằng câu thoại này nó buồn tới mức độ nào, khi chưa đọc sách.

Chúng ta hay dễ quên đi những gì thuộc về lịch sử, và không hình dung ra được sự tàn khốc của nó khủng khiếp đến mức độ nào, cho dù có bao nhiêu lời kể từ các nhân chứng đi chăng nữa thì vẫn chỉ có thể nghĩ về nó ở một mức độ rất thấp.

Nhưng dù là có thấp đi nữa, cũng xin đừng bao giờ quên rằng, đã từng, có những người trải qua rất nhiều đau đớn, đến mức không thể nào quay trở lại sống như một người bình thường nữa, thậm chí để lại tính mạng mình. Tất cả chính là nhờ vào họ, mà chúng ta, ngày hôm nay, mới có thể ngồi đây sẻ chia những điều yêu thích của mình như vậy.

Xin đừng bao giờ quên.

Author:

The silence Bordeaux

Leave a comment