Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] ONG MẬT VÀ SẤM RỀN

Tên tiếng Nhật: Mitsubachi To Enrai
Tác giả: Riku Onda
Năm xuất bản: 2016 – Xuất bản tại Việt Nam: 2022
Dịch giả: Đỗ Nguyên
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Huy Hoàng Book, Nhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
Giá bìa: 280.000
Nơi mua: Mình mua trên Tiki, mọi người có thể mua ở nơi khác cũng ok cả ah.

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

– Cách trình bày: sách in đẹp, chữ to rõ ràng, không có lỗi chính tả. Dịch thuật ổn, đọc không thấy trúc trắc, có một hai từ lâu rồi mới thấy nên nếu mọi người thấy từ nào lạ thì cứ tra từ điển thôi. :”>

– Thể loại: Sách này viết về một cuộc thi Piano và chủ yếu là xoay quanh bốn nhân vật chính, miêu tả dòng suy nghĩ và những bài biểu diễn của họ trong suốt cuộc thi.

– Thông tin tham khảo cần chuẩn bị trước khi đọc? Một playlist chứa toàn bộ các bài được đề cập trong sách.

Vì thí sinh trong truyện là do tác giả tạo nên, nhưng nhạc mà họ chơi là hàng thật, nên là bạn cần hẳn một playlist nhạc để nghe trong suốt quá trình đọc để tưởng tượng và hình dung cho dễ.

Còn nếu không nghe playlist thì bạn sẽ giống như mình, đọc “điếc”, biết tên bài nhạc thế thôi chứ không tưởng tượng được nó như thế nào, điều này đồng nghĩa với việc giá trị quyển sách đã giảm đi 40% vì cái sự “điếc” của chúng ta.

Mình nghĩ đây vừa là điểm mạnh cũng vừa là điểm trừ của quyển sách này, nội dung không khó hiểu nhưng về mặt “kỹ thuật” thì khá là khiến mình chùn bước.

Muốn hiểu và hình dung cho đủ, có lẽ phải cần một thời gian rất dài để nghe hết playlist đã, sau đó mới quay lại thì sẽ cho ra cảm nhận khác hơn.

Và chị google đã giúp mình tìm ra chiếc playlist đó nên mình sẽ để link cho các bạn dưới cmt nhen.

II. CẢM NHẬN CỦA MÌNH

Ban đầu, quyển sách này được đăng trên báo dưới dạng chương, trong vòng 7 năm trời, với 71 kì. Và sau đó được tổng hợp lại và xuất bản thành sách. Trong quá trình dựng ý tưởng và viết thì tác giả cùng biên tập viên của mình đã đến nghe cuộc thi Hamamastsu, tức Hama Con, một cuộc thi piano được tổ chức 3 năm một lần.

Cho đến khi sách được xuất bản thì họ đã đi tổng cộng 4 lần Hama Con và nghe hết tất cả các bài biểu diễn trong vòng 2 tuần của cuộc thi. Nói để biết rằng quyển sách này chứa rất nhiều tâm huyết, sự đầu tư và cảm nhận của Riku Onda về âm nhạc, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự nhiệt thành mà dịu dàng này của bà trong toàn bộ câu chuyện.

Lời khuyên của mình dành cho các bạn khi đọc quyển này là hãy ráng “cầm cự” cho qua được 100 trang đầu tiên. ¼ đầu sách thật sự có chút khô khan, khó hình dung và nhân vật xuất hiện nhiều nhưng lại chỉ được nói lướt lướt qua khiến ta chưa kịp hình dung thì đã xuất hiện một người mới. Sau khi qua được thử thách này thì tin mình đi, phía sau cực kì lôi cuốn.

Ừm, nói chung là, nó giống như nghệ thuật nói chung vậy, có nhiều thứ ta sẽ yêu từ cái nhìn đầu tiên, có nhiều thứ khác cần một thời gian thẩm thấu để tiếp cận.

Bốn nhân vật chính trong truyện là bốn kiểu người thiên phú mà chúng ta đã từng gặp gỡ ở đâu đó trong bước đường theo dõi những ai làm nghệ thuật: nhân vật chính Kazama Jin, một cậu bé thiên tài được nuôi dưỡng ở “bên ngoài” môi trường nghệ thuật. Một Masaru tài năng thiên bẩm được rèn luyện kỹ càng.

Một Eiden Aya, cũng là thiên tài, nhưng mắc phải hội chứng cháy sạch (burn out), thứ đã tiêu diệt rất nhiều người được cho là thiên tài khác vì đã không thể nào thoát được cái tôi khép kín của bản thân . Một Akashi nhiệt thành với âm nhạc, nhưng không theo con đường vì lý do cuộc đời.

Bốn người này gặp nhau trong một cuộc thi, thổi hồn vào những bài biểu diễn xuất thần khiến cho khán giả được chứng kiến những kì cảnh bằng âm nhạc. Và cũng từ đó, họ tìm được những thứ mình còn thiếu sót, hoàn chỉnh nó, để được một cái tôi tốt đẹp và nhiệt thành với âm nhạc cổ điển hơn.

Mình nghĩ những người làm nghệ thuật, đặc biệt là về âm nhạc sẽ cảm thấy có nhiều kết nối với quyển sách này. Có nhiều đoạn tư duy mà mình phải khựng lại đọc thật chậm, để cảm nhận được nó nhiều hơn dù chỉ một chút.

Mình rất thích đoạn này:

“Bằng đấy con người đã tin tưởng vào nghề nghiệp mình đã lựa chọn để sản sinh ra thứ âm nhạc này.

Anh chợt thấy sợ hãi.

Nghệ sĩ là nghề nghiệp như thế nào..họ dùng nó làm kế sinh nhai như thế nào.

Kế sinh nhai, nói nghe dễ dàng quá. Đó chính là cái nghiệp nuôi sống ta. Không phải chỉ đề lấp đầy dạ dày và chẳng lưu lại dấu vết gì khác. Một khi ta dùng cả cuộc đời mình để theo đuổi, ta sẽ dùng chữ “nghiệp” để nói về nó. Bằng ấy con người như vậy đang ở nơi này. Mà không chỉ mỗi mình bọn họ, bên ngoài hội trường này, trong thành phố này và trên khắp thế giới này đều tồn tại những người như vậy…

Akashi thấy lòng mình thật lạ.

Mình đã chọn đi một con đường chông gai đến mức nào.

Sống lưng anh lạnh toát, hơi thở khó nhọc hơn.

Nhưng mình đã lỡ chọn con đường đó mất rồi. Hơn nữa, con đường càng khó đi lại càng ngập tràn niềm vui không gì sánh nổi.”

Có nhiều đoạn nói về âm nhạc và cảm nhận của nhân vật về âm nhạc rất hay, nếu mọi người đọc thì mới tự mình thấm thía được.

Điểm cộng của quyển sách này chính là về dịch thuật, mình nghĩ, nó có thể được dịch tốt hơn nữa thì sẽ tốt nhưng thế này cũng đã là quá đủ tốt rồi. Tác giả đã dùng rất nhiều ngôn từ để diễn tả âm nhạc, giai điệu, và hình ảnh hiện lên trong các đoạn nhạc.

Thật sự mà nói, cái này rất khó để hình dung, cũng rất khó để “nghe” được. Nhưng bằng cách diễn dịch của tác giả và dịch giả, ở một phần cơ bản nào đó, dù là có đọc “điếc” thiệt, nhưng mình vẫn có thể “nghe” và chiêm ngưỡng được đôi chút của sự thần diệu này.

Nên là nếu có thể, mình sẽ nghe những bài có trong sách, và quay lại đọc một lần nữa không chừng.

Trên đây là toàn bộ review.

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] TÔI MUỐN CHẾT NHƯNG TÔI THÈM ĂN TTEOKBOKKI

Tác giả: Baek Se-Hee
Năm xuất bản: 2018 – Xuất bản tại Việt Nam: 2020
Dịch giả: Hà Hương
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Thaihabooks, Nhà Xuất Bản Công Thương
Giá bìa: 89.000
Nơi mua: mình mua quyển này tại tik

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ
– Thể loại: có thể là self-help (?) mình gọi đây là quyển sách tự bạch của tác giả về chứng rối lo.ạn tr.ầm c.ảm dai dẳng mà cô đang mắc phải.

– Cách trình bày: trình bày rõ ràng, rành mạch, giấy in khá ổn, hơi mỏng chút nhưng vẫn ok. Chất lượng dịch ổn, hành văn đọc không bị chững lại hoặc lặp từ.

– Các điểm cần lưu ý: sách có đề cập đến một số biểu hiện và một số triệu chứng của bệnh, được tác giả miêu tả lại bằng chính trải nghiệm bản thân. Sách dễ đọc và không mang cảm giác tiêu cực, nhưng bạn cần cân nhắc trước khi đọc nếu tâm trí đang bất ổn định.

– Thông tin cần tìm hiểu trước để đọc sách dễ hình dung hơn: hội chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, hội chứng rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách kịch tính. Hoặc bạn có thể không cần tìm hiểu trước cũng được, trong sách có lý giải dựa trên đối thoại của tác giả với bác sĩ điều trị.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Mình sẽ lấy đoạn này để làm tóm tắt: “Cuốn sách ghi lại những cuộc đối thoại giữa một người chưa hoàn hảo với chuyên gia tâm lý – cũng là một người còn nhiều thiếu sót, những cuộc nói chuyện giản dị như bao câu chuyện bình thường trong cuộc sống. Với tư cách là bác sĩ điều trị, tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng cuộc sống vốn dĩ là tập hợp của những điều không hoàn hảo.

Tôi cảm thấy an ủi phần nào khi nhận thấy cuộc sống của tác giả, của tôi và của độc giả luôn vận động, biến đổi và hoàn toàn có thể trở nên tốt đẹp hơn. Hy vọng những người từng thất vọng, gục ngã, chật vật từng ngày trong nỗi bất an; những người đang đọc cuốn sách này, hãy lắng lòng lại và lặng nghe những thanh âm đến từ chính tâm hồn ta, từ nơi sâu thẳm mà bấy lâu nay ta vẫn vô tình bỏ lỡ.

Vì chúng ta luôn là những người, dẫu có muốn chết, vẫn thèm ăn tteokbokki”

“Tteokbokki” là món mà tác giả thích ăn nhất, trong một số trường hợp, đó cũng là điều giúp cô lưu luyến với cuộc sống này cô lại mỗi khi cơn bệnh ập đến.

Sách được chia ra thành hai phần lớn và nhiều phần nhỏ. Phần lớn đầu tiên sẽ là những đoạn ghi lại cuộc nói chuyện giữa cô và bác sĩ điều trị, những điều đã học được, và tiến trình bệnh và một ít về hướng điều trị.

Phần lớn thứ hai là những câu chuyện nhỏ mà trong đó tác giả đưa suy nghĩ của mình những điều đã và đang diễn ra, lời khuyên cũng có, mà một vài điều bé nhỏ của chính cô cũng có.

Cảm giác khi đọc giống như đang nghe một người khác kể chuyện vậy. Có những thứ mình thấy đồng cảm, có những điều lại không, vì toàn là trải nghiệm cá nhân mà thôi. Đọc xong có cảm giác được xoa dịu một phần, nhưng cũng cảm thấy lan man và dông dài 😃 có lẽ là vì mình không “hợp” với thể loại này lắm.

Thật ra mỗi người trong chúng ta sẽ có một món “Tteokbokki” của riêng mình, giống như nhiều lúc mình đây cũng muốn rời khỏi nhưng lại nghĩ rồi nếu như rời đi thì đám con RJ ở nhà ai sẽ chăm cho, đám đĩa rồi photobook thế nào, rồi đồ mình đặt hôm nọ đã đến đâu các thứ, thế là mình ở lại.

Ừa, mà cũng có thể là cơm tấm sườn bì chả trứng ốp la nhìu mỡ hành với tóp mỡ, hoặc là hủ tiếu nam vang full topping, hay là bún bò huế, rồi gỏi cuốn, bánh tráng trộn bánh tráng cuốn, mì lạnh, lẩu thái, thịt nướng…

Hoặc có thể là Bangtan, là bạn bè, là bất cứ ai hoặc điều gì mà trong phút giây khủng hoảng ấy xuất hiện như một sợi dây kéo chúng ta khỏi bước nhảy cuối cùng. Để lại còn sống tiếp mà gặp nhau. 

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] Phá Vỡ Vỏ Bọc Đàn Ông

Thông tin sách: Phá Vỡ Vỏ Bọc Đàn Ông
Tác giả: Tony Porter
Năm xuất bản: 2015 – Xuất bản tại Việt Nam: 2021
Dịch giả: Sugi
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: ShineBooks, nhà xuất bản Dân Trí.
Giá bìa: 99.000
Nơi mua: mình mua quyển này trên Tiki

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

– Thể loại: sách nonfiction, có hơi thiên về huấn luyện kỹ năng sống.

– Cách trình bày: trình bày rõ ràng, rành mạch, giấy in đẹp. Mấy chương đầu có hơi lòng vòng, các chương sau đó vào trọng điểm hơn.

– Một điều khá thú vị: Đối tượng đọc của quyển sách này nên là nam giới. Mình nghĩ các bạn nên mua quyển này về đọc rồi sau đó giới thiệu nó cho em trai, bạn trai, thậm chí là bố của mọi người thì sẽ rất tốt. Thậm chí mua về đọc trước xong rồi sau này có con trai và dạy cho bé nó lại càng tốt hơn :’>

– Bạn có thể tìm hiểu thêm về tổ chức A Call To Men, hoặc các bài nói chuyện của Tony Porter trên Youtube.

– Sách này có dễ đọc không? Dễ, nhưng như đã nói ở trên, đối với mình thì nó khá là sao nhỉ…tức là, mình thuộc về vòng ngoài của “đối tượng được nhắm đến” cho quyển sách này. Tuy nhiên, dẫu mình không hiểu được hết dòng suy nghĩ của đàn ông, nhưng lời bộc bạch của Tony Porter đã mình cũng được mở mang tầm mắt để nhìn vào thế giới đàn ông 😃 ừa, nên nó khá hay.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Tony Porter viết quyển sách này với cách nhìn của một người đàn ông Âu Mỹ, nhưng nó có những điều rất đúng đối với đàn ông Châu Á. Và thậm chí đàn ông châu Á “nặng” tưởng phong kiến hơn dù giờ bị mai một khá nhiều, nhưng những tư tưởng đàn ông phải rắn rỏi nó đã thấm nhuần vào trong máu của các thế hệ.

Mình nghĩ nếu là nam giới hơi “cổ hủ” một chút thì họ sẽ cảm thấy khá khó chịu khi quyển sách này. Vì họ đã bị đóng khung trong khuôn khổ đàn ông từ khi mới sinh. Giống như cách phụ nữ được dạy chỗ về công, dung, ngôn, hạnh, phía nam giới cũng bị đấng sinh thành và xã hội bị áp vào khung trí, dũng song toàn.

Đàn ông phải mạnh mẽ, phải chèo chống gia đình, phải dũng cảm, không được khóc và vô vàn những áp đặt khác để họ có thể trở thành một bóng tùng quân, che chở gió tuyết mưa sa cho những người phụ nữ của mình. Từ đây khiến cho họ hình thành tư duy quá cứng rắng, áp đặt và thậm chí phiến diện khi đối xử với “phái yếu”, tức nữ giới và trẻ em. Và sự nghi kị, khinh thường với cộng đồng LGBT.

Trong sách có một phần mà những người đàn ông bày tỏ suy nghĩ của mình, có điều hợp lý, có điều không hợp lý và Tony đã dựa trên đó để nêu ra suy nghĩ đúng hơn. Mình nghĩ nếu như có ai đó sử dụng quyển này làm tài liệu giảng dạy, hoặc mời hẳn Tony Porter về Việt Nam để training cho nam giới nước ta, thì chắc là trong tương lai số lượng những người tử tế sẽ được nhân rộng lên rất nhiều.

Có một phần mà mình khá thích trong sách, nó như thế này: “Vấn đề không phải là đàn ông có phân biệt giới tính hay không, mà là liệu chúng ta có biết mình đang phận biệt giới tính và cố gắng để cải thiện bản thân hay không.

Việc tháo gỡ sự phân biệt giới tính bao gồm quá trình xác định các hành vi phân biệt giới tính gần đây n hất của bạn hoặc việc dám bắt tay vào hành động và thay đổi ngay khi bạn nhận ra mình đang làm hay nói một điều gì đó không thỏa đáng.

Ngoài ra, khả năng tự hoài nghi và xem xét lại bản thân cũng quan trọng không kém, đặc biệt, hãy ngừng trông cậy người khác (nhất là phái nữ) nói cho bạn biết hành vi của mình là sai. Điều đó cũng đồng nghĩa bạn phải sẵn lòng tiếp nhận những lời phê bình hay chỉ trích mang tính xây dựng.

Hãy hiểu rằng không phải lúc nào những phê bình đó cũng nhằm vào bạn, mà quan trong hơn là về những ảnh hưởng mà hành vi của bạn gây ra đối với một ai đó.”.
.
.
.
Từ đây nói một chút về Namjoon.

Trong một tweet được post năm 2017, các fan đã thấy quyển sách này trong hình mà cậu ấy post lên. Sau khi đọc sách, mình nhận ra là cậu ấy đã không ngừng trau dồi và mở rộng tầm nhìn của bản thân như thế nào.

Cá nhân mình cho là việc một nam giới Hàn Quốc, một đất nước mà tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn còn tồn tại, đọc quyển sách này đã là một hành động cấp tiến. Nó tương tự với việc họ đọc sách nữ quyền vậy.

Ừm, bạn có thể cảm thấy mình nói hơi quá, nhưng quả là đối với trường phái gia trưởng thì quyển sách này chẳng khác nào một cú “đụng nhẹ” vào hệ tư tưởng mà họ đã được dạy dỗ trong nhiều năm.

Nên là việc cậu ấy đọc quyển sách này, và cả những quyển có đề cập về vấn đề nữ quyền khác nữa, điều này thật là đáng quý biết bao. 

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW]  PHÍA SAU TỘI ÁC NHÂN DANH KHOA HỌC

Thông tin sách: Phía Sau Tội Ác Nhân Danh Khoa Học
Tác giả: Sam Kean
Năm xuất bản: 2021
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: 1980 Books, nhà xuất bản Dân Trí
Giá bìa quyển 1: 159.000 – quyển 2: 149.000
Nơi mua: mình mua trên Tiki

Mình sẽ tổng hợp tất cả các link mà mình đề cập trong sách cho các bạn dưới comment.

I. THÔNG TIN CHUNG

– Cách trình bày: sách in đẹp, giấy đẹp, có tranh minh họa, trình bày rõ ràng, không có lỗi chính tả.

– Vì tính chất bạo lực, vô đạo đức nên sách này có giới hạn độ tuổi (trên 18), các bạn cân nhắc trước khi chọn mua.

– Thể loại: nonfiction sách kể về những câu chuyện có liên quan đến nhiều môn khoa học khác nhau từ thực vật học, sinh học, y học, khảo cổ học…

– Quyển sách này có cấu trúc như sau:
+ Hai quyển bao gồm 12 câu chuyện về sự thật đen tối của các nhà khoa học, những người đã bất chấp để đạt được điều mà họ muốn, cho dù điều đó được đổi bằng cuộc đời và sinh mạng của rất nhiều loài động vật, kể cả con người.

– Sách này có dễ đọc không? Có, cách viết của tác giả rất lôi cuốn, vô một phần là phải cầm đọc cho hết chứ không bỏ xuống nửa chừng được.

– Thông tin tham khảo cần chuẩn bị trước khi đọc? Cái này có thể không cần, quyển này vừa đọc vừa tra cứu mới cảm thấy hấp dẫn nhen.

– Điều cần lưu ý trước khi mua:
+Sách dịch hơi có vấn đề, dịch vẫn dễ hiểu nhưng rất nhiều lần lặp từ, rất nhiều câu cú trúc trắc, nhiều lúc mình cảm thấy giống như mình đang đọc google bản edit lại vậy. Đây là điều triệt tiêu hứng thú đọc của mình, và khiến mình cảm thấy rất tiếc khi mà quyển sách vốn là hay và lôi cuốn lại bị “đối xử” như vậy.

Mọi người còn nhớ hồi hai ba ngày trước mình post một trang sách nhờ đếm bao nhiêu lần “ông ấy” không? Đó chính là quyển này =]], và tương tự vậy, bạn sẽ gặp rất nhiều trang mà trong đó “ông ấy”, “anh ấy”, “bà ấy”, “cô ấy” bị lặp lại với tần suất mỗi câu một lần :v. Ta nói, nhiều khi nhìn mà tức ghê luôn á.

+ Một điểm khác không đến từ việc chuyển ngữ hay trình bày mà đến từ chính…tác giả: đôi khi ông ấy có xu hướng hơi marketing các ấn bản hoặc hoạt động khác của cá nhân, ví dụ “nếu bạn muốn biết thêm về blah blah hãy nghe podcast của tôi tại blah blah”. Cái này cá nhân mình không thích thôi chứ có thể mọi người sẽ thấy bình thường.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Mình đã đọc một vài câu chuyện trong quyển này ở nơi khác, các sách về khoa học hay y khoa cũng đều có đề cập nhưng một số thì ở mức độ nói tĩnh lược, một số thì chỉ ra thôi chứ không đề cập sát sao. Quyển này thì nói kỹ hơn một số chuyện đặc sắc, và nó đặc sắc thật, có một vài cảnh khi đọc lên, trong đầu tưởng tượng ra thì khá là…buồn cười, nhưng nói chung 90% là đau xót.

Rất nhiều người làm khoa học khi họ đạt được bao nhiêu thành tựu thì cũng là lúc đạp lên bấy nhiêu sinh mạng. Vấn đề đạo đức trong khoa học không thể gói gọn lại trong những câu chuyện được đề cập trong sách, nó chỉ là một mẩu nhỏ nhoi trên đỉnh của tảng băng chìm mà thôi.

Phải biết rằng ngoài những câu chuyện này ra thì còn hàng triệu những thí nghiệm như thế đã từng và đang diễn ra ở ngoài kia. Chúng ta cũng ý thức về sự tồn tại của chúng nhưng cũng chỉ đành nhắm mắt, xem như không biết, không thấy. Suy cho cùng thì, ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều đã và đang thụ hưởng thành quả đến từ một trong những thí nghiệm như thế.

Sẽ có nhiều chuyện mà khi đọc vào thì bạn sẽ tặc lưỡi chửi tục kiểu “mấy cái thằng chó này…”. Khó lòng mà không chửi lắm các bạn, giống như mình đọc về vụ John Money lần này là lần thứ mấy rồi nhưng tới quyển này mình vẫn muốn xuyên không về đập cho ổng một trận nhừ tử, và còn rất nhiều người như vậy nữa trong quyển sách này.

Tựu trung lại, quyển sách này, nếu không để ý đến vấn đề dịch thuật mà mình đề cập ở phía trên thì nó khá hay và khiến mình mở mang nhiều điều nhờ vào việc tra cứu thêm, dựa trên các thông tin mà tác giả đã cung cấp. Tuy nhiên là bạn hãy canh lúc sale hãy mua cho kinh tế với túi tiền nha.

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] MỘT THOÁNG TA RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN

Tác giả: Ocean Vuong
Năm xuất bản: 2019 – Xuất bản tại Việt Nam: 2021
Dịch giả: Khánh Nguyên
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Giá bìa: 135.000
Nơi mua: mình mua quyển này ngoài nhà sách,

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ LƯU Ý
– Thể loại: tiểu thuyết.

– Cách trình bày: trình bày rõ ràng, rành mạch, giấy in đẹp. Về chất lượng dịch thì mình sẽ nói trong phần cảm nghĩ nhen.

– Các điểm cần lưu ý: sách có đề cập về yếu tố bạo lực do phân biệt, sang chấn hậu chiến, có miêu tả về hoạt động tình dục đồng giới nhưng không đề cập nhiều, không miêu tả kỹ.

Trong sách có đề cập đến một số bài hát, trong đó có bản Bài Ca Dành Cho Những Xá.c Ngư.ời của Trịnh Công Sơn. Mọi người có thể tìm nghe trước khi xem sách.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Đầu tiên là nói về việc dịch thuật. Ở đây, xin có một lời khen tặng dành cho dịch giả Khánh Nguyên.

Bản thân mình cảm thấy việc dịch quyển sách này là vô cùng khó vì sự lưu loát của ngôn từ của nó. Ocean Vuong là nhà thơ, vì thế, những gì mà anh ấy bày tỏ trong sách khiến cho chúng ta nghĩ là mình đang đọc thơ mà dưới dạng văn xuôi vậy.

Quả thật, dịch giả đã làm việc hết sức mình trong việc truyền tải ngôn từ. Tuy đôi lúc không thể làm gì khác hơn mà phải mở đóng ngoặc từ tiếng Anh gốc, do tác giả dùng thủ pháp đồng âm khác nghĩa để chơi chữ.

Bản thân mình vẫn tin rằng sẽ có người chuyển ngữ được toàn bộ cả thủ pháp lẫn ý tứ, nhưng với bản dịch này thì cũng là quá đủ rồi, chỉ sợ nếu chuyển quá lưu loát thì sẽ tiêu biến bản chất của nhân vật, ừm…như thế thì sẽ là thất bại chứ không phải thành công. Ừm…mình chỉ là người đọc thôi 😃 nên phần khó xin cứ nhườn lại cho chuyên gia thì hơn. :”>

Nói xong chuyện dịch thuật xong thì chúng ta nói sang chuyện câu chữ. Ocean Vuong viết quyển sách này như đang vẽ tranh vậy, mỗi một phần là một bức tranh, mỗi một câu là một nét vẽ. Từng chút từng chút, hình thành nên cả một bảo tàng.

Đọc quyển sách này, bạn sẽ cảm thấy mình đang đứng tại bảo tàng để ngắm tranh trong một cơn giông. Trong tâm thức của nhân vật Chó Con, là sự đảo điên đau đớn đã hằn sâu trong ký của người mẹ, người bà.

Những cơn bão lòng suy tưởng của cả ba thế hệ về quá khứ và hiện thực.

Sẽ có người thấu triệt được những điều mà “bức tranh” muốn truyền tải, vì trong họ có sự trải nghiệm. Cũng có người rung động vì sự mãnh liệt của “bức tranh” bởi đẹp thoát ra từ ngôn từ, từ hình ảnh và câu thoại. Cũng có người đơn thuần nhìn vào “bức tranh” công nhận cái đẹp tồn tại của nó, miêu tả lại được phần được vẽ nên, sau đó bước đi chứ không thấm thía được điều gì.

Ừm, mình chính là loại người thứ ba kia.

Mình mình có thể hình dung được những hình ảnh mà anh ấy viết nên, thấy được mức độ sâu sắc trong từng câu thoại. Nhưng mình không có sự rung động, cũng không cảm động.

Vậy nên, đây là một quyển sách rất đẹp. Nhưng với mình thì nó chỉ có thể dừng lại ở việc nó rất đẹp mà thôi.

Trong mấy ngày vừa rồi, mình tự hỏi sao trong mình lại không tồn tại loại rung động đó, ngay cả khi những câu từ kia đã tinh tế và đẹp đẽ đến dường ấy. Thì có lẽ vấn đề là mình không có những trải nghiệm được đề cập trong sách, hoặc, là ở cách hành văn chuyển ngữ, không khiến mình rung động, hoặc, là cả hai.

Nên mình nghĩ để sau này mình mua quyển tiếng anh về đọc rồi đối chiếu lại xem nó như thế nào, rồi biết đâu sẽ có một review khác, khi ấy, có lẽ nó sẽ khác. 

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] ĐẠI DƯƠNG ĐEN

Thông tin sách: Đại Dương Đen
Tác giả: Đặng Hoàng Giang
Năm xuất bản: 2021
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Giá bìa: 240.000
Nơi mua: mình mua trên Tiki

Mình sẽ tổng hợp tất cả các link mà mình đề cập trong sách cho các bạn dưới comment.

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

– Cách trình bày: sách in đẹp, có tranh minh họa, trình bày rõ ràng, không có lỗi chính tả. Sách viết dễ hiểu.

– Thể loại: sách được viết bằng thể loại narative non-fiction, kể chuyện phi hư cấu, sách cung cấp thông tin về bệnh lý trầm cảm, và các hình thức điều trị một cách khái quát.

– Quyển sách này có cấu trúc như sau:
+ 12 chương đầu tiên là 12 câu chuyện được tác giả kể lại dựa trên phần phỏng vấn của ông với các cá nhân vướng vào căn bệnh trầm cảm (và các bệnh lý liên quan khác). Mỗi một chương đều rất nặng nề, vì vậy bạn rất cần phải cân nhắc về sức khỏe tinh thần của bản thân trước khi đọc.

+ Một số câu chuyện trong sách đã được đăng tải trên trang web của Vietcetera, các bạn có thể đọc để hình dung trước khi mua.

+ Từ chương 13 trở đi là toàn cảnh về căn bệnh, các số liệu, hình thức điều trị đang được áp dụng và những khó khăn mà người bệnh phải đối mặt.

+ Quyển này có sách nói trên fonos, nếu nghe sách nói thì bạn phải cân nhắc vì đội ngũ đọc rất hay và rất diễn cảm, dễ gây ảnh hưởng tâm lý hơn là sách giấy. Để test thử “sức chịu đựng”, bạn có thể nghe thử chương đầu tiên trên kênh youtube của fonos

– Sách này có dễ đọc không? Không. Như đã nói, hãy cẩn thận với tình trạng tâm lý của chính mình khi đọc 12 chương đầu tiên.

=> Hoặc là bạn không cần đọc một lèo hết 12 chương, mà đọc ngắt quãng 1,2 chương rồi lật từ chương 13 trở đi và đọc các thông tin về bệnh lý. Thật ra đọc thế này thì khá là rườm rà nhưng mình nghĩ là tâm bạn sẽ dễ chịu hơn một chút.

– Thông tin tham khảo cần chuẩn bị trước khi đọc? Cái này có thể không cần, bạn chỉ cần đọc thôi, vừa đọc vừa tra cứu thêm cũng được, hoặc lật phần Tài liệu tham khảo và tìm các bài báo và nghiên cứu được đề cập. Lượng thông tin mà bạn có thể học hỏi là rất nhiều nên cứ tìm hiểu một cách thong thả để thấu triệt tốt hơn.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH.

Bản thân từ “Đại Dương Đen” được ví như một hình ảnh ẩn dụ mà người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng không lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.

Trầm cảm được định nghĩa là một loại bệnh, chứ không phải là một loại cảm xúc chợt đến chợt đi và thậm chí được “giả đò”.

Một khi được xem là bệnh lý thì nó phải được lên phát đồ điều trị, nhưng đáng buồn là điều này rất khó vì nó “rất khó để xác định và dự báo đường đi của trầm cảm. Nó là cái kính vạn hoa. Ở người này nó có thể vắng bóng cả vài thập kỷ, trong khi ở người kia nó là thường trực. Ở người này, nó gắn liền với một chấn thương lớn như mất mát người thân; ở người kia, nó xuất hiện mà chẳng cần lý do.”

Mục đích của quyển “Đại dương đen” là cung cấp cho người đang có triệu chứng trầm cảm, đã được hoặc chưa được chẩn đoán bởi đơn vị có chuyên môn, và những người có người thân đang phải đối mặt với căn bệnh này, một loại giáo dục tâm lý để người bệnh (và thân nhân) có kiến thức để hiểu đúng về bệnh.

“Còn hơn cả tiểu đường, huyết áp hay ung thư, việc người bệnh có kiến thức đúng về bệnh, hiểu về các triệu chứng của nó, về nguồn cơn gây ra nó, nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các lợi và bất lợi, hiểu về vai trò và trách nhiệm của bản thân để hợp tác và tham gia vào quá trình trị liệu, là vô cùng quan trọng.

Phần việc này của nhà chuyên môn gọi là giáo dục tâm lý, và nó cần được làm trước khi bắt đầu bất kì liệu pháp nào, dù là tư vấn tâm lý hay thuốc. Trong bối cảnh nền y tế thiếu hụt cả về lượng lẫn chất hiện nay, một trong những mục đích của cuốn sách này chính là làm công việc giáo dục tâm lý đó”

Với mình thì con đường chữa trị cho người trầm cảm, tính đến thời điểm hiện tại, giống như cầm đèn soi vào đại dương đen vậy. Rõ là nắm trong tay ánh sáng, nhưng soi vào thì lại không nhìn thấy được bao nhiêu, cả người bệnh, thân nhân và người chữa trị đều lò dò trong khoảng không đen đặc, không thấy điểm sáng ở cuối đường hầm.

Nhưng với một đốm sáng nhỏ trong tay, ít ra ta biết được rằng, vẫn còn được một chút hy vọng, ít ra, chúng ta vẫn thấy một bước chân phía trước là đất bằng hay vực thẳm. Mọi chuyện đều có khởi nguồn và nguyên nhân, hiểu được như vậy thì chúng ta có thể nhẫn nại với chính mình hơn, với người thân đang vật lộn với căn bệnh kinh khủng này hơn.

Tuy nhiên xin LƯU Ý:

Đại Dương Đen là một quyển sách mang tính chất tổng quan khái quát về bệnh lý, cách điều trị. Việc nhìn vào các triệu chứng được đề cập đến trong sách và các bài test được đề cập cũng sẽ giúp bạn tự tầm soát tình trạng tâm lý của mình, từ đó có thể tìm cách để được giúp đỡ.

=> Nếu nhận ra mình có các vấn đề được đề cập, xin hãy tìm đến những đơn vị tư vấn và điều trị có chuyên môn, tuyệt đối đừng tự mua thuốc tự điều trị.

Trong sách có kèm theo thông tin của nhóm Đường Dây Nóng Ngày Mai, bạn có thể gọi vào để được hỗ trợ, mình để thông tin tại đây:
Hotline: 096 306 1414
Thời gian hoạt động: 13:00 – 20:30 mỗi Thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy và Chủ nhật.
Fanpage: Đường dây nóng Ngày mai
Email: hotlinengaymai@gmail.com

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] DÁM BỊ GHÉT

Thông tin sách: Dám Bị Ghét
Tên tiếng Nhật: Kirawareru Yuki
Tác giả: Koga Fumitake, Kishimi Ichiro
Năm xuất bản: 2013 – Xuất bản tại Việt Nam: 2018
Dịch giả: Nguyễn Thanh Vân
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, nhà xuất bản Dân Trí
Giá bìa: 96.000
Nơi mua: Mua hồi đợt sale tiki 😃

Thỏ thẻ thêm xíu xiu, rằng là mở hàng mùng 9 tốt ngày nên ở cuối bài review này mình có tí quà tặng mọi người á. :”>

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

– Cách trình bày: sách được viết dưới dạng đối thoại, trình bày rõ ràng, rành mạch nhưng hơi hao giấy :v.

– Thể loại: sách self help dựa trên nền tảng triết học Adler

– Quyển sách này có: những gợi ý để chúng ta nhìn nhận vấn đề theo một cách nhìn khác, và dũng cảm sống cuộc đời do chính mình quyết định.

– Bạn có thể tìm hiểu thêm về Trường phái tâm lý học cá nhân của Alfred Adler, mình sẽ để một link gợi ý ở dưới phần bình luận nha.

– Sách này có dễ đọc không? Không. Sách này không những cần phải đọc rất chậm mà còn phải vừa đọc vừa soi chiếu lại bản thân mình để xem xem là có thể vận dụng được điểm nào nữa. Nếu chỉ đơn thuần là “đọc cho biết” thì cũng được, nhưng khá phí thời gian.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Điều đầu tiên mình phải nói, đúng ra là nhắc lại một đoạn trong quyển sách này: “Người ta còn nói rằng, để thực sự hiểu tâm lý học Adler đến mức thay đổi được cách sống thì phải mất một thời gian tương đương với “nửa quãng đời đã sống”. Nghĩa là, nếu 40 tuổi mới bắt đầu học thì phải mất 20 năm, tức là phải đến 60 tuổi. Còn nếu bắt đầu học từ 20 tuổi thì phải mất 10 năm, tức là phải đến 30 tuổi.”

Vì vậy, muốn thành thạo, dũng cảm để sống thì phải luyện tập, luyện tập và luyện tập. Từng chút từng chút thay đổi bản thân mình, không còn cách nào khác hơn được nữa đâu.

Sau đây là cảm nghĩ thật của mình.

Đã có những điều trong sách làm mình cảm thấy bất bình, ví dụ như việc tư tưởng triết học này phủ nhận sự tồn tại của “Sang chấn tâm lý” ở “Đêm thứ nhất”. Cho rằng đó chỉ là do bản thân chúng ta tự tạo ra một cái cớ để vịnh vào đó mà đưa ra lý do. Có thể là vì thời điểm Adler đưa ra tư tưởng triết học của mình thì “Sang chấn tâm lý” chưa được toàn thể nhân loại xem trọng như hiện tại.

Vậy nên, mình cho là, “Đêm thứ nhất” trong sách hoàn toàn là một tư tưởng cũ. Nếu là một người sáng suốt không có vấn đề gì về tâm lý thì bạn có thể vận dụng chương này để soi lại những “lý do” tự bạn đã đưa ra để chống chế những việc mà mình đã định làm, nhưng cuối cùng lại không. Còn nếu đang phải theo một liệu trình điều trị tâm lý, hay đang trong quá trình tự giảm chấn vì trầm cảm ở mức độ nhẹ thì hãy cẩn thận.

Và nếu định áp dụng những gì có trong đêm thứ nhất, thì hãy chỉ áp dụng cho chính mình thôi, đừng mới vừa đọc mà đã đi dạy cho người khác, vì nếu không khéo, lời bạn nói sẽ biến thành một thứ gọi là đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming).

Đối với các Đêm còn lại, vẫn như cũ, muốn áp dụng phải làm từng bước một, từng chút một. Có nhiều điểm cũng…không được với mình nốt =]].

Nhưng mình nghĩ sẽ rất phù hợp với những ai đang mệt mỏi vì không hiểu sao bản thân mình cứ phải đi làm việc này việc kia mà không có thời gian làm việc của bản thân mình. Bạn phải xem công việc của mình là một nhiệm vụ, và việc của bạn là hoàn thành nhiệm vụ đó, chứ không phải người khác, chỉ có bạn và chính bạn mà thôi. Những người khác can thiệp vào thì là việc của họ, nhưng việc của bạn, là phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Với mình thì điều này khá phù hợp trên con đường làm fan :”>.

Mình có đề cử quyển sách này không? Không. Mình không phù hợp với tư tưởng triết học của Adler dù nếu nói rộng ra thì nó khá là hay, nhưng cái hay này mình không áp dụng được. Nó quá cứng nhắc đối với mình. Cơ bản là, mình không thích nó.

Nhưng nếu bạn đang lạc lối, thì nó vẫn xứng đáng có được một cơ hội trong tủ sách của bạn đấy. Vì biết đâu, là chính bạn chưa đủ dũng cảm để sống cho cuộc đời của mình. Cứ đọc thử, để trang bị cho mình một cách nhìn khác, soi chiếu lại bản thân một lần, và có khi sẽ học được cách dũng cảm để đối mặt với mọi điều khó khăn.

CHƯA HẾT REVIEW ĐÂU!!!

Đầu năm mới!! Mình gửi đến cho mọi người một chiếc code từ Tiki đặng mua sách đọc mở màn cho cả năm thông thái nè!

Code là: GUGUTKVLT20 – Điều kiện: 30 bạn có đơn hàng trên 99k thì nhập mã này sẽ được giảm thêm 20k nhen! :”> áp dụng cho mua sách thui nhe mọi người. Ai tới trước được trước.

Thời gian áp dụng : Từ 0 giờ này 10/2 – Tức là giờ mọi người soạn giỏ hàng đi, lát 12h đêm bấm mua được giảm thêm 20k, tình yêu của tui đó~~~~~

Chúc mọi người thật vui~~~

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] LẦN CUỐI MÌNH NÓI LỜI CHIA TAY

Thông tin sách: Lần Cuối Mình Nói Lời Chia Tay
Tên tiếng anh: The Last Time We Say Goodbye
Tác giả: Cynthia Hand
Năm xuất bản: 2015 – Xuất bản tại Việt Nam: 2020
Dịch giả: Phi Yến
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Shine Books, Nhà Xuất Bản Dân Trí
Giá bìa: 129.000
Nơi mua: Mua hồi đợt sale ở trên shopee 😃,

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

Cách trình bày: Sách được chia làm hai phần, một phần là tuyến truyện bình thường, phần còn lại là của nhân vật Lex tự tay viết. Chỗ Lex viết tay thì sách dùng kiểu chữ nghiêng như viết tay thật vậy, cơ mà font chữ hơi nhỏ, hội người mắt kém (như mình T~T) đọc hơi khổ xíu, còn lại ok cả, không thấy có lỗi chính tả.

Quyển sách này có đề cập đến: vấn đề tự sát và hành trình ổn định tâm trí sau khi mất người thân.

Sách có dễ đọc không? Dễ, truyện này cần chiêm nghiệm thôi, hông cần tra cứu thêm gì.

Tóm tắt: Đây là những hồi ức, và hiện thực mà Lex đã trải qua sau khi người em của cô, Tyler (hay được gọi là Ty), qua đời vì tự sát.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Một quyển sách được viết theo lối kể nhẹ nhàng, nhưng lại khiến người đọc cảm thấy cần phải nhìn lại những mối quan hệ xung quanh.

Thật ra mất mát không ở đâu xa cả, nó ngay sát gần chúng ta thôi, hãy biết rằng mỗi lần nói tạm biệt hay chào hỏi ai đó, thì cũng có thể là lần cuối chúng ta gặp họ.

Cũng là bài học dành cho những vị phụ huynh sắp đi đến bờ vực ly hôn, hãy xem xét cách mà mọi người thông báo điều đó đến cho con của mình. Quả thật, cuộc đời, và hôn nhân là chuyện của các bạn, nhưng việc chấm dứt sẽ liên lụy đến con cái, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của nó nữa.

Còn lại…phải nói sao nhỉ, dạo này mình đang thích một bài tên là Đáy Biển và hay nghe nó trước khi ngủ. Giai điệu và giọng hát của ca sĩ làm người ta dễ chịu và an lòng, nhưng lời của nó thì không giống như âm thanh của nó lắm.

“Chẳng còn lưu luyến gì với nhân gian nữa.
Mọi thứ đều tan thành mây khói.
Chẳng kịp nữa rồi, chăng kịp nữa rồi
Bạn cười trong nước mắt
Không kịp rồi, quá trễ rồi…”

“Lần Cuối Mình Nói Lời Chia Tay” khiến mình có cảm giác giống như vậy.

Lúc đọc thì bình thản, khi ngẫm lại thì không cảm thấy dễ chịu. Nội dung được dựng lên thông qua cách nhìn của Lex, nên những gì chúng ta biết về Tyler cũng là chủ quan của Lex và những câu chuyện xung quanh cậu ấy mà Lex nghe được. Không có gì thật sự đến từ Tyler cả, cũng không có mấy thứ mà Tyler đã thật sự nói ra.

Cậu ấy đã không thể thổ lộ lòng mình với ai. Nhưng nếu chia sẻ những điều mình nghĩ, thì cậu ấy có sống tiếp được chăng?

Khó mà nói được.

Nhưng đối với những người ở lại mà nói, thật sự chặn hành trình mang theo vết thương trống hoác như cái hố sâu này, quả thật quá khó khăn.

Họ sẽ luôn giành phần lỗi về phía mình “Giá như mà tôi biết…” “Nếu tôi có thể quan tâm cậu ấy hơn…”, rất nhiều hối hận và dằn vặt đã được thốt ra, có những linh hồn sẽ mãi đắm chìm trong đau khổ, đến mức có thể vì đó mà rời khỏi thế giới này…

“Giờ thì tớ đã hiểu chẳng ai có thể cứu được Ty ngoài Ty. Cũng chẳng thể đổ tội cho người khác. Cho cậu. Hay cho tớ. Ty mới là người nắm trọn các lá bài.”

Một mất mát có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy, nhưng những người ở lại phải quyết định cho cuộc đời của mình. Họ không thể nào “vui lên đi” hay “quên điều này đi” được, họ chỉ có thể học cách tự tha thứ cho bản thân, và mang theo vết thương ấy, tiếp tục cuộc đời của chính mình.

Giống như những cái cây còn tươi, dù bị đẽo đi một phần, vẫn sống tiếp.

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] MỘT Ý NIỆM VỀ NỖI BUỒN

Thông tin sách: Một Ý Niệm Về Nỗi Buồn
Tên tiếng anh: About Grief
Tác giả: Ron Marasco và Brian Shuff
Năm xuất bản: 2010 – Xuất bản tại Việt Nam: 2021
Dịch giả: SUGAholicVN
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: MintBooks, nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam
Giá bìa: 109.000
Nơi mua: Mua hồi đợt sale ở trên shopee 😃,

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ ĐÁNH GIÁ

– Cách trình bày: rõ ràng, rành mạch, bìa in đẹp, bookmark hình hoa kèm theo cũng đẹp, không thấy có lỗi chính tả.

– Quyển sách này đề cập đến: những trình tự tâm lý khi chúng ta rơi mất mát (“nỗi buồn” ở đây đa phần là đề cập đến việc mất người thân), và gợi ý chữa lành.

– Trong sách có đề cập đến khá nhiều ví dụ và trích dẫn từ các đầu sách khác. Bạn có thể tìm đọc thêm hai quyển dưới đây để tìm hiểu sâu hơn về những cách mà chúng ta có thể đối diện với nỗi buồn, cũng như các loại bệnh:

+ Bài Học Cuộc Sống của Elisabeth Kübler-Ross và David Kessler, mình đã review quyển này, bạn có thể ghé vào mục review sách của mình để đọc thử, link dưới comment nha.

+ Hiểu Về Sự Chết của Sherwin B. Nuland, quyển này rất nên đọc, nhưng tiếc là hiện tại nó đã không còn được bán nữa T~T.

– Sách này có dễ đọc không? Mọi người cứ đọc thôi, không cần phải chuẩn bị hay tra cứu trước gì cả. Trong lúc đọc thì muốn tham khảo thêm cũng được.

Tuy nhiên xin được lưu ý, sách hơi có vấn đề về văn phong dịch.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Chữ “Grief” trong tựa đề gốc hàm chứa rất nhiều ý nghĩa; nó là sự tiếc thương, thống khổ buồn thảm, và cả sự đau đớn vì một sự mất mát mà trong phần lớn trường hợp là mất người thân, bạn bè, hoặc là sinh mạng mà mình yêu thương nhất.

Mình sẽ tóm tắt quyển này bằng đoạn dưới đây:

“Phần lớn cuộc sống thường ngày của chúng ta là sự trốn chạy không ngừng khỏi đời thực. Một trong những “ân huệ” hiếm hoi từ nỗi buồn là nó chắc chắn sẽ kéo con người trở về với hiện thực. Chẳng điều gì chân thực hơn người bạn yêu thương mất đi.

Bạn có thể nói dối chính mình bất cứ điều gì – như bạn là ai, đối phương có yêu bạn không, tương lai sẽ ra sao. Những thứ này bạn có thể lập lờ được. Nhưng với nỗi buồn thì không. Người bạn yêu đã mất đi mãi mãi, và thế là hết.”

Đời người mà, rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta sẽ mất đi ai đó thôi.

Sẽ có những điều mà sau mất mát, chúng ta không còn trở lại được như xưa, và dù thời gian có trôi qua bao nhiêu lâu thì nỗi đau cũng chẳng thể xóa nhòa được. Nó vẫn cứ ở đó, vết thương vẫn cứ ở đó, cái chính là làm thế nào để có thể “giảm bớt” đi rồi tiếp tục sống cuộc đời của mình thôi.

Bằng quyển sách này. chúng ta có thể đúc kết được những bài học nhỏ dựa trên các ví dụ để chuẩn bị “hành trang” cho mình, để đến khi ngày ấy xuất hiện, chúng ta sẽ có thể chống đỡ tốt hơn.

Hoặc có thể dựa vào chúng mà để tự ngẫm lại những gì mà chúng ta đã trải qua, từ đó, an ủi một chút nào đó phần tâm lý của mình, xoa dịu nó một chút, một chút thôi cũng được.

Và dù là đàn ông hay phụ nữ, bất kì giới tính nào cũng đau khổ trước sự mất mát như nhau. Các phản ứng giữa người và người thì sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi họ đến, nhưng chúng ta đừng nên dựa vào đó để quy chụp đối tượng. Đàn ông sẽ không khóc? Họ không thể biểu lộ sự đau khổ trong mất mát sau? Phụ nữ sẽ phải chịu đựng? Họ không được quyền làm gì khác ngoài chịu đựng sao?

Bạn sẽ nhìn thấy những điều này trong từng trang, từng trang nội dung mà thông qua đó, chúng ta học được cách thương mình hơn, thương người hơn.
.
.
.
.
Về phần mình, thật lòng mà nói thì trong suốt quá trình đọc quyển sách này, mình đều gặp khó khăn trong vấn đề câu chữ.

Nói thẳng ra là sách này dịch không hay, hơi nhiều những câu văn tối nghĩa, dịch theo word by word. Có mấy chỗ mình đọc không hiểu liền đành phải đi đối chiếu với bản tiếng Anh, rồi nhờ cả bạn giải thích hộ cho mới qua được.

Ngoài ra, cách diễn giải ở một số câu cũng còn cứng. Đọc lướt để nắm ý chính thì không sao nhưng đọc chậm là thấy ngay những lỗi này. Đây là điều khiến mình cảm thấy rất đáng tiếc vì nội dung sách đã không được chuyển tải mượt mà và đầy đủ.

Giá như mình có được một trải nghiệm đọc tốt hơn.

Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI

Thông tin sách: Bản chất của người – Tên tiếng anh: Human Acts
Tác giả: Han Kang
Năm xuất bản: 2014 – Xuất bản tại Việt Nam: 2019
Dịch giả: Kim Ngân
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, Nhà xuất bản Hà Nội
Giá bìa: 99.000
Nơi mua: Quyển này thì mình đã mua trực tiếp với full giá bìa,
Ngoài ra, bạn có thể xem các review khác do mình viết tại: https://www.facebook.com/media/set/…

I. THÔNG TIN CHUNG
– Bạn hãy đọc trước để dễ hình dung hơn, đây là link của hai địa điểm và hai mốc thời gian diễn ra phong trào dân chủ mà trong sách có đề cập:

Gwangju năm 1980 (bối cảnh chính): https://bitly.com.vn/qf3f2p
Seoul năm 1987 (bối cảnh được nhắc đến): https://bitly.com.vn/i5m8mk

=> Nếu có thông tin bổ ích nào thêm nữa thì mọi người hãy phổ cập thêm cho mình với nha.

BTS ĐÃ TỪNG NHẮC ĐẾN ĐẾN PHONG TRÀO NÀY:
– Trong bài Ma City tại đoạn rap của j-hope câu “Muốn gặp nhau thì tập hợp lú 7 giờ đi, rồi cùng nhấn phím gọi 062-518” trong đó. 7 giờ chính là giới nghiêm sẽ được nhắc đến trong sách, 062 là mã vùng Gwangju và 518 là ngày 18 tháng 5 của năm 1980.

– SUGA đã sáng tác một bài tên là 518-062 (Bài hát sáng tác cho Phong trào dân chủ 18.5). mọi người có thể đọc bản dịch bài ở đây: https://bitly.com.vn/7zsgl2

– Trong vlive năm 2017 thì Namjoon nói mình đã đọc quyển sách này khi đang bay đến Châu Âu, và nói đây là một quyển sách khiến người ta nặng lòng.

II. ĐÁNH GIÁ
– Cách trình bày: rõ ràng rành mạch, không thấy có lỗi chính tả. Một lưu ý nhỏ, tiểu thuyết không sử dụng các dấu ngoặc kép cho lời thoại, nên lúc đọc bạn cần phải tập trung hơn.

– Sách có dễ đọc không: Xét về giọng văn và cách miêu tả thì sách rất dễ đọc, nếu xét về nội dung, ừm… quá buồn.

– Sách có để cập đến các vấn đề sau:
Bạo lực, biểu tình, đàn áp và chết chóc.
Nhục hình thể xác, tinh thần, cả nam và nữ.

III. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Sách có tổng cộng 246 trang, chuyện bắt đầu từ trang 7 và mình thì bắt đầu rơi nước mắt từ trang 8 cho đến hết. Một phần là mình đã đọc sách mà không có sự “chuẩn bị” gì cả, một phần khác là mình rất dễ cảm động vì nỗi bi thương thời chiến.

Bằng sự tỉnh táo, cách viết gãy gọn, và các hình ảnh miêu trả dễ hình dung, Han Kang đã kể cho bạn về một lát cắt rất nhỏ của phong trào dân chủ Gwangju. Nhưng cũng vì sự cách viết giống như “tường thuật” này mà mỗi một chương sách giống như một vết dao đâm nào lòng người đọc vậy.

Mình có thể tóm tắt toàn bộ nội dung truyện cho mọi người bằng một đoạn của vở kịch được đề cập trong sách:

“Sau khi bạn chết, chẳng thể nào làm được lễ tang, cuộc đời tôi đã trở thành lễ tang của bạn.

Sau khi bạn được quấn vào trong tấm thảm chống thấm và chất lên xe dọn vệ sinh.

Sau khi những dòng nước không thể tha thứ kia tuôn ra khỏi đài phun nước.

Dù ở nơi đâu, ngọn lửa đền thờ vẫn đang cháy.

Trong những đóa hoa nở mùa xuân, trong từng bông tuyết. Trong mỗi buổi đêm. Những tàn lửa của ngọn nến cắm trong chai rỗng..”

Chung quy câu chuyện này cũng chỉ có mấy loại người: người sắp chết, người đã chết, người ôm vết thương mà còn sống, và người ghi chép lại.

Bắt đầu bằng việc cậu bé mười lăm tuổi đi tìm người bạn bị thất lạc của mình trong nhà thi đấu mà khi đó, nơi ấy đã trở thành nơi nhận xác. Và kết thúc với một người biết sau, khi mà mọi chuyện đã là quá khứ, nay quay về những nơi xưa chốn cũ, cẩn thận đào ra từng chút từng chút những dáng hình và mảnh đời bị bôi nhọ bởi quyền lực. Sau rồi thuật lại câu chuyện của một đứa trẻ đi tìm bạn mình.

Từ đây mở ra rất nhiều cách nhìn về linh hồn, về lương tâm, những nhiệt huyết rồi sẽ bị chà đạp bởi tra tấn và nhục hình bởi những kẻ vô lương tàn ác, những con người đã sống, và đã chết.

Nhưng nó lại khiến cho người ta cảm thấy vừa bất ngờ vừa quen thuộc, vì chúng ta, cũng đến từ một đất nước mà đã từng có rất nhiều người trẻ đấu tranh vì mục đích tự do. Và cho dù đường lối chính trị, bối cảnh diễn ra và kết quả là khác nhau, nhưng nỗi đau của mất mát giữa người với người là như nhau.

Có rất nhiều phân đoạn mà mình khóc, không phải vì nhân vật trong truyện, mà mình nhận ra là những hoài niệm, đau đớn, và nỗi niềm của những người cha, người mẹ mất đi những đứa con cho dù là ở bất kì quốc gia nào thì cũng là như nhau.

“Cái mạng mẹ vẫn còn dai dẳng, nên dù mất thằng con trai rồi, mẹ vẫn phải ăn cơm.” Bạn sẽ không thể hình dung rằng câu thoại này nó buồn tới mức độ nào, khi chưa đọc sách.

Chúng ta hay dễ quên đi những gì thuộc về lịch sử, và không hình dung ra được sự tàn khốc của nó khủng khiếp đến mức độ nào, cho dù có bao nhiêu lời kể từ các nhân chứng đi chăng nữa thì vẫn chỉ có thể nghĩ về nó ở một mức độ rất thấp.

Nhưng dù là có thấp đi nữa, cũng xin đừng bao giờ quên rằng, đã từng, có những người trải qua rất nhiều đau đớn, đến mức không thể nào quay trở lại sống như một người bình thường nữa, thậm chí để lại tính mạng mình. Tất cả chính là nhờ vào họ, mà chúng ta, ngày hôm nay, mới có thể ngồi đây sẻ chia những điều yêu thích của mình như vậy.

Xin đừng bao giờ quên.