Posted in REVIEW SÁCH

[BOOK REVIEW] MỘT THOÁNG TA RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN

Tác giả: Ocean Vuong
Năm xuất bản: 2019 – Xuất bản tại Việt Nam: 2021
Dịch giả: Khánh Nguyên
Nhà xuất bản và đơn vị bảo trợ: Nhã Nam, nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Giá bìa: 135.000
Nơi mua: mình mua quyển này ngoài nhà sách,

I. THÔNG TIN CHUNG VÀ LƯU Ý
– Thể loại: tiểu thuyết.

– Cách trình bày: trình bày rõ ràng, rành mạch, giấy in đẹp. Về chất lượng dịch thì mình sẽ nói trong phần cảm nghĩ nhen.

– Các điểm cần lưu ý: sách có đề cập về yếu tố bạo lực do phân biệt, sang chấn hậu chiến, có miêu tả về hoạt động tình dục đồng giới nhưng không đề cập nhiều, không miêu tả kỹ.

Trong sách có đề cập đến một số bài hát, trong đó có bản Bài Ca Dành Cho Những Xá.c Ngư.ời của Trịnh Công Sơn. Mọi người có thể tìm nghe trước khi xem sách.

II. CẢM NGHĨ CỦA MÌNH

Đầu tiên là nói về việc dịch thuật. Ở đây, xin có một lời khen tặng dành cho dịch giả Khánh Nguyên.

Bản thân mình cảm thấy việc dịch quyển sách này là vô cùng khó vì sự lưu loát của ngôn từ của nó. Ocean Vuong là nhà thơ, vì thế, những gì mà anh ấy bày tỏ trong sách khiến cho chúng ta nghĩ là mình đang đọc thơ mà dưới dạng văn xuôi vậy.

Quả thật, dịch giả đã làm việc hết sức mình trong việc truyền tải ngôn từ. Tuy đôi lúc không thể làm gì khác hơn mà phải mở đóng ngoặc từ tiếng Anh gốc, do tác giả dùng thủ pháp đồng âm khác nghĩa để chơi chữ.

Bản thân mình vẫn tin rằng sẽ có người chuyển ngữ được toàn bộ cả thủ pháp lẫn ý tứ, nhưng với bản dịch này thì cũng là quá đủ rồi, chỉ sợ nếu chuyển quá lưu loát thì sẽ tiêu biến bản chất của nhân vật, ừm…như thế thì sẽ là thất bại chứ không phải thành công. Ừm…mình chỉ là người đọc thôi 😃 nên phần khó xin cứ nhườn lại cho chuyên gia thì hơn. :”>

Nói xong chuyện dịch thuật xong thì chúng ta nói sang chuyện câu chữ. Ocean Vuong viết quyển sách này như đang vẽ tranh vậy, mỗi một phần là một bức tranh, mỗi một câu là một nét vẽ. Từng chút từng chút, hình thành nên cả một bảo tàng.

Đọc quyển sách này, bạn sẽ cảm thấy mình đang đứng tại bảo tàng để ngắm tranh trong một cơn giông. Trong tâm thức của nhân vật Chó Con, là sự đảo điên đau đớn đã hằn sâu trong ký của người mẹ, người bà.

Những cơn bão lòng suy tưởng của cả ba thế hệ về quá khứ và hiện thực.

Sẽ có người thấu triệt được những điều mà “bức tranh” muốn truyền tải, vì trong họ có sự trải nghiệm. Cũng có người rung động vì sự mãnh liệt của “bức tranh” bởi đẹp thoát ra từ ngôn từ, từ hình ảnh và câu thoại. Cũng có người đơn thuần nhìn vào “bức tranh” công nhận cái đẹp tồn tại của nó, miêu tả lại được phần được vẽ nên, sau đó bước đi chứ không thấm thía được điều gì.

Ừm, mình chính là loại người thứ ba kia.

Mình mình có thể hình dung được những hình ảnh mà anh ấy viết nên, thấy được mức độ sâu sắc trong từng câu thoại. Nhưng mình không có sự rung động, cũng không cảm động.

Vậy nên, đây là một quyển sách rất đẹp. Nhưng với mình thì nó chỉ có thể dừng lại ở việc nó rất đẹp mà thôi.

Trong mấy ngày vừa rồi, mình tự hỏi sao trong mình lại không tồn tại loại rung động đó, ngay cả khi những câu từ kia đã tinh tế và đẹp đẽ đến dường ấy. Thì có lẽ vấn đề là mình không có những trải nghiệm được đề cập trong sách, hoặc, là ở cách hành văn chuyển ngữ, không khiến mình rung động, hoặc, là cả hai.

Nên mình nghĩ để sau này mình mua quyển tiếng anh về đọc rồi đối chiếu lại xem nó như thế nào, rồi biết đâu sẽ có một review khác, khi ấy, có lẽ nó sẽ khác. 

Author:

The silence Bordeaux

Leave a comment